
Bệnh bại huyết trên vịt (Riemerellosis)
1. Giới thiệu về bệnh và vi khuẩn
Bệnh bại huyết (hay còn gọi là bệnh nhiễm trùng huyết) trên vịt gây ra bởi vi khuẩn Riemerella anatipestifer (RA). Vi khuẩn có tác động tiêu cực đến chăn nuôi thủy cầm, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho doanh nghiệp. Bệnh đã được ghi nhận nhiều nơi trên thế giới với các báo cáo về tỉ lệ nhạy cảm kháng sinh hiện hành, tại Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Mĩ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, vv. Ở Việt Nam, một số đề tài được thực hiện tại khu vực phía nam có ghi nhận sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh, cũng như đánh giá được mức độ nhạy cảm của RA với các loại kháng sinh lưu hành trên thị trường.
Vi khuẩn Gram âm Riemerella anatipestifer là vi khuẩn không hình thành bào tử, không di động, với các phản ứng sinh hóa catalase và oxidase dương tính. Nhóm vịt từ 1-8 tuần tuổi có khả năng mắc bệnh cao nhất; vịt dưới 5 tuần tuổi thường chết sau 1-2 ngày biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Động vật nhiễm bệnh có triệu chứng tiêu chảy phân nâu hoặc phân xanh, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở, thất điều vận động, run đầu và cổ, chết đột ngột, vv. Viêm màng bao tim, hoại tử gan, viêm túi khí, màng bao tim viêm có sợi tơ huyết là những bệnh tích có thể phát hiện. Bệnh diễn ra ở thể cấp tính hoặc mãn tính, và những cá thể sống sót sau khi nhiễm bệnh cũng có sức sinh trưởng, phát triển kém.

Vịt nhiễm khuẩn Rimerella anatipestifer. Nguồn: The Poultry Site

Vi khuẩn Riemerella anatipestifer ATCC 11845T dưới kính hiển vi điện tử. Nguồn: (Mavromatis, Lu et al. 2011)
2. Phương pháp xác định vi khuẩn
Các ghi nhận về lịch sử đàn, triệu chứng lâm sàng và bệnh tích mổ khám có thể được sử dụng tổng hợp để đưa ra chẩn đoán sơ bộ đối với vịt nhiễm khuẩn Riemerella anatipestifer. Vi khuẩn được phân lập từ dịch não, máu, túi khí, gan, hoặc ống dẫn trứng, bằng cách nuôi cấy trên môi trường thạch “chocolate”, thạch máu, hoặc thạch TSA (trypsin soy agar). RA sinh trưởng tốt sau 48-72 giờ khi được ủ ở mức nhiệt 37 độ C, trong điều kiện 5%-10% CO2. Phương pháp định danh sinh hóa hoặc phản ứng PCR (Polymerase Chain Reaction) có thể áp dụng để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Sơ đồ chẩn đoán bệnh nhiễm trùng huyết ở thuỷ cầm

Nguồn: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8400-40:2016, phụ lục E
Bài viết tiếp theo: Bệnh bại huyết trên vịt (tiếp theo)
Tác giả: Lê Hoàng Trúc Vân
Link đính kèm:
https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/tacgia-9436/baibao-58084.html